***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
2:30 - 5:00 chiều thứ Bảy, 17/09/2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê Thứ Bảy
////////////////////////////
Ngày 17 tháng 9 này, CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ giới thiệu tới các bạn kiến trúc sư Santiago Calatrava, người đã vượt qua được những biên giới của các ngành nghề để tìm ra mối liên hệ (thường bị lãng quên) giữa nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng. Ông đã đưa được chất "thơ" vào kết cấu công trình, và cũng chính những hệ kết cấu này tạo nên vẻ đẹp kiến trúc của ông.
Không có gì đáng ngạc nhiên với cách tiếp cận kiến trúc của Calatrava, khi chúng ta chú ý tới quá trình học tập của ông. Santiago Calatrava sinh ngày 28 tháng 7 năm 1951 tại thành phố Valencia, Tây Ban Nha. Ông bắt đầu học nghệ thuật từ rất sớm, trước khi học kiến trúc tại thành phố này. Sau đó ông sang Thuỵ Sĩ học cao học về kết cấu công trình tại trường Đại học Bách khoa Zurich. Cũng chính tại đây, năm 1981 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Khả năng bẻ gập (uốn cong) của hệ kết cấu ba chiều". Đây cũng là chủ đề đã theo Calatrava trong nhiều công trình thực tế của ông sau này.
Kiến trúc của Calatrava luôn có cảm hứng từ hình thể con người, cây cỏ thiên nhiên, những thứ tạo ra sự sống cho các hình khối. Hướng tới luật của thiên nhiên, hệ kết cấu các công trình của ông được tạo nên với những lý do chính đáng của nó, từ hình thái cho đến những nguyên lý của vật liệu. Đây là triết lý mà Calatrava bị ảnh hưởng từ kiến trúc sư Antoni Gaudi, người đồng hương với ông.
Nhưng sự sáng tạo riêng nhất của Calatrava là ông không muốn thiết kế ra một kiến trúc có hình thái tĩnh tại như thường gặp, mà tạo ra sự chuyển động cho công trình. Đó có thể là một sự chuyển động ảo khi hệ kết cấu được tạo ra bởi những hình cong ba chiều. Hay cũng có thể là sự chuyển động thực sự của các phần tử kiến trúc. Tất nhiên sự đổi mới về thẩm mỹ vẫn phải đi cùng với sự hiệu quả của công năng dưới sự hiểu biết về khoa học. Nhiều cây cầu do ông thiết kế không chỉ có chức năng cơ bản của nó, mà còn trở thành nơi gặp gỡ của người dân, mang tính xã hội lớn.
Cuốn phim "Hành trình của Santiago Calatrava" (dịch từ tiếng Đức: Die reisen des Santiago Calatrava) mà đạo diễn Christoph Schaub đã thực hiện trực tiếp công việc của Calatrava. Ông đã theo người kiến trúc sư này trong vòng nhiều ngày, tới nhiều thành phố ghi lại những hình ảnh để cho chúng ta biết được "quá trình" làm việc từ những nét ký hoạ trên giấy, những bản vẽ mầu nước đầy cảm xúc, cho tới những cuộc tranh luận căng thẳng trên công trường. Chúng ta sẽ nghe lời giải thích về cách tiếp cận kiến trúc của Calatrava, về sự chuyển giao từ thiên nhiên sang kiến trúc, về mối liên hệ giữa nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và kết cấu. Cuốn phim cũng sử dụng một số hình ảnh lưu trữ như kể về Calatrava khi còn là sinh viên tại trường Đại học Bách khoa Zurich, với những đồ án thử nghiệm của ông lúc đó đã có nhiều dấu hiệu triển vọng trong tương lai.
Những năm gần đây, Calatrava nhận nhiều chỉ trích do nhiều công trình của ông bị vượt mức dự toán. Đây vẫn là đề tài muôn thuở trong kiến trúc. Điều đáng chỉ trích nhất nên dành cho những công trình buồn tẻ mà vẫn đắt đỏ mọc lên hàng ngày xung quanh chúng ta. Khi xem phim, chúng ta sẽ thấy người kiến trúc sư bắt đầu ngày làm việc lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối, vẫn tranh thủ phác thảo trong những chuyến đi giữa hai công trường, sự lo lắng luôn thường trực trên khuôn mặt. Cho dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, Calatrava đã đóng góp công sức không nhỏ của mình cho sự phát triển chung của kiến trúc thế giới !